Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

ĐỊA MẠCH THÁI NGUYÊN VÀ VẤN ĐỀ QUY HOẠCH TỔNG QUÁT.BÀI 7.

ĐỊA MẠCH THÁI NGUYÊN VÀ VẤN ĐỀ QUY HOẠCH TỔNG QUÁT.
PHẦN 2 .

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐỊA MẠCH THÁI NGUYÊN.

( Tiếp theo- dienbatn ).

3/ THANH LONG- BẠCH HỔ : (Tiếp theo ).
Địa hình nhánh Thanh Long ( Phía Đông Thái Nguyên ).







Xe tải chở quặng sắt về nhà máy tuyển quặng Trại Cau.





Khu vực nhánh Thanh Long ( Phía Đông Thái Nguyên ) này địa hình từ phía Tả ngạn sông Cầu cho tới Nội Thanh Long có chiều rộng khoảng trên 10 Km. Địa hình vùng này cũng tương tự như vùng Tây Thái Nguyên bao gồm nhiều đồi nhỏ có chiều cao dưới 100 m. Nhánh Nội Thanh Long cũng chỉ có chiều cao trung bình trong khoảng 200 m.
Trong khu vực này có nhiều mỏ sắt, vàng, Kaolin,đá vôi ximăng...Hàng loạt mỏ đang trong thời kỳ khai thác như các mỏ săt tại Hòa Trung, Linh Nham,Núi Bài Nâu, Hòa Trung...Một số mỏ đã ngừng khai thác như các mỏ sắt tại khu vực xã Cây Thị,Quang Trung. Riêng khu vực mỏ sắt Trại Cau theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng đã gần như ngừng hoạt động. Do những hố đào sâu hàng trăm mét xuống lòng đất nên khu vực này mất hết các mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của nhân dân trong vùng. Mặt khác, do biên chế quá cồng kềnh nên giá thành khai thác của mỏ sắt Trại Cau lại cao hơn rất nhiều so với những mỏ của tư nhân khai thác. Gần đây , hầu như mỏ sắt Trại Cau chỉ tồn tại bằng cách mua nguyên liệu của các mỏ tư nhân và chuyển quặng sắt từ Tuyên Quang về.
Khu vực nhánh ngoại Thanh Long có chiều cao từ 200- trên 400 m, có địa hình khá hiểm trở.
Tỉnh lộ 242 đi giữa hai nhánh nội và ngoại Thanh Long từ khu vực Đình Cả vòng vèo theo hai triền núi và nối với Quốc lộ 1A tại khu vực Don Me. Khí mạch khu vực này đang hành Long và khá hung hãn nên không có ích gì nhiều cho Thái Nguyên.
4/ HUYỀN VŨ CỦA THÁI NGUYÊN.
Khu vực tây bắc Thái Nguyên bao gồm huyện Định Hóa và các xã phía tây của hai huyện Phú Lương, Đại Từ có lịch sử hình thành sớm nhất, thuộc chu kỳ kiến tạo sơn Caledonia bắt đầu cách đây 480 triệu năm và được hình thành xong trong đại cổ sinh cách đây 225 triệu năm. Các khu vực núi còn lại của Thái Nguyên có lịch sử địa chất trẻ hơn. Phần lớn lãnh thổ Thái Nguyên có lịch sử hình thành suốt trung sinh (bắt đầu từ cách đây 240 triệu năm và kết thúc cách đây 67 triệu năm, kéo dài trong khoảng 173 triệu năm).
Sau khi được hình thành xong (cách đây 67 triệu năm), lãnh thổ Thái Nguyên ngày nay tồn tại dưới chế độ lục địa liên tục 50 triệu năm. Với thời gian này, địa hình Thái Nguyên ngày nay được san bằng và trở thành bình nguyên. Đến kiến tạo sơn Hymalaya cách đây khoảng 25 triệu năm, do vận động nâng lên mãnh liệt, Thái Nguyên cũng được nâng cao từ 200 đến 500m, làm cho địa hình trẻ lại. Những miền được nâng cao có địa hình bị cắt xẻ, các vật liệu trầm tích trẻ, mềm bị ngoại lực bóc mòn, các núi cổ được cấu tạo bằng nham thạch cổ hơn, cứng hơn lại lộ ra, tái lập lại địa hình như lúc mới hình thành xong (cuối trung sinh). Phía bắc Thái Nguyên gồm rừng núi và đồng lầy.Về phía đông bắc, có cao nguyên Vũ Phái được giới hạn bởi những dãy núi đá vôi và có khu rừng núi ngăn chia Lâu Thượng và Lâu Hạ ở phương Nam. Phía tây bắc Thái Nguyên có thung lũng Chợ Chu bao gồm nhiều cánh đồng và những thung lũng nhỏ. Giữa Đồn Đủ và Cổ Lương là một cánh đồng giáp với cao nguyên Trúc Thanh và Độ Tranh gồm nhiều đồi núi lan tới tận khu đồng lầy Phúc Linh.


Sách "Bảo Ngọc thư " của Việt Hải có viết : " Những long sơn tuy cũng phát nguyên, từ một Thái tổ ra, nhưng cũng có long hậu, long bạc, long quý, long tiện. Muốn biết hậu bạc, quý hay tiện, thì phải xem từ chỗ Thái tổ phát ra, long sơn nào thoát đại trường viễn (rộng lớn dài xa) là khí mạch hậu, nếu tiểu đoản xúc hiệp ( bé thấp ngắn hẹp) là khí mạch bạc.
Muốn biết quý hay tiện thì phải xem ở cục thể; nếu hai bên tả, hữu và xung quanh tổ sơn, có nhiều tinh phong tủng bạt ( cao đại) ủng hộ bao bọc thành cách, thành cục là quý. Trái lại, là tổ sơn đơn cô độc lập, ít hay không có quần sơn hộ vệ là Tiện.
Thái tổ sơn mà tinh thể phương chính, đoan nghiêm ( vuông vắn ngay thẳng) thì hay sinh ra người giỏi, chính trực, hiền nhân, quân tử. Trái lại, nếu thiên, tà, oa, trắc ( méo, vẹo, lệch lạc, nghiêng ngả) thì địa phương ấy sinh ra nhiều kẻ gian tà, xảo trá, tiểu nhân v.v…
- Thiếu tổ sơn là sau Thái tổ phân ra, lại khởi lên Đại sơn nữa, làm tổ sơn của các cán long, chi long vùng đó. Tinh thể thường không giống như Thái tổ nhưng cốt đoan chính tú lệ, trông có vẻ non bồng ngoạn mục, thì hay kết huyệt to. Nếu được tinh phong tủng tú cao thanh thì phát quý, phi hậu ( to mập) thì phát phú quý vượng đinh tài thôi.
- Tổ tông là cái sơn cũng do Thiếu tổ phân lạc ra sau, nhưng tự biệt lập một mình một khu vực.
Tinh thể Tông sơn này cốt là cát tinh, mà có khai bình, liệt trướng sơn sa triều bão, thành cách cục thì thường thường là có là có quý huyệt; trái lại nếu không phân khai ra được, là vô lực, không có đất hay.
- Phụ mẫu sơn là cái sơn ở đằng sau huyệt tinh dẫn mạch vào huyệt. Tinh này cốt là cát tinh và, mở được hai cánh dương ra thì mới kết tác ( có huyệt), bằng không khai được là vô huyệt.
Trên đây kể về Thái tổ, Thiếu tổ, Tổ tông, Phụ mẫu là để cho rõ căn nguyên, thứ tự từng tiết, từng đoạn thôi, chứ thực ra thì tìm đất tự hạng trung địa trở xuống không cần hỏi đến Thái tổ, Thiếu tổ mà chỉ Tổ tông và Phụ mẫu là đủ.
Vì phần nhiều chỗ sơn xuyên biến hóa ( núi sông thay hình đổi dạng), không thể cứ phải nhất định câu nệ được; có nhiều chỗ thuần dương hành long ( long mạch đi thấp) thường chỉ một phiến bình thản dài thẳng đến đầu, khởi đột lên một cái tinh phong, thì huyệt kết ở trên tinh phong ấy. Như vậy, thì chẳng những đã không có Tổ tông mà lại còn không có cả Phụ mẫu sơn nữa, như những chỗ ấy thì chỉ cô lập có một thân mình ( tức huyệt tinh), không thể bàn nói đến Tổ tông làm gì nữa!"
Thái Nguyên có Huyền Vũ cực kỳ sung mãn, khí lực trầm hùng không ngưng nghỉ, lại được mạch nước Sông Cầu và Sông Công tích tụ khí. Sông Cầu chạy xuyên suốt Thái Nguyên, tới cuối tỉnh lại xoay đầu sang phía Bạch Hổ, tạo nên thế kìm chân cho Long mạch dừng lại kết nên nhiều Huyệt quý báu. Chỉ tiếc hàng mấy trăm năm qua, vì cuốc sống , vì quyền lợi của con người đã đua nhau đào phá, san ủi nên đã phá hỏng gần như toàn bộ các Huyệt quý này.Tương lai Thiên nhiên sẽ trừng phạt con người như thế nào chúng ta đã nhận thấy rất rõ trong những năm qua. Thiên tai, bão lụt, động đất, lũ quét, ô nhiễm môi trường, bệnh tật phát sinh , nhất là ung thư do di hại của các phế thải khai thác mỏ sẽ ngấm vào nguồn nước và đầu độc dần dần con người. Đó là cái giá phải trả khi con người tàn phá thiên nhiên, tàn phá và hủy diệt chính cuộc sống của mình.
Một số trang tài liệu báo cáo của nhóm.

Xin xem tiếp bài 8 - dienbatn .