Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

ĐỊA MẠCH YÊN DŨNG - BẮC GIANG VÀ THỦY LONG TỰ ĐỒNG VIỆT.BÀI 1

ĐỊA MẠCH YÊN DŨNG - BẮC GIANG VÀ THỦY LONG TỰ ĐỒNG VIỆT.


Ghi chú : Vừa rồi, dienbatn và một số ACE trong Đạo tràng DPLHVV được mời đi tầm Long tróc mạch để xây dựng một ngôi chùa và một ngôi đình làng tại Yên Dũng - Bắc Giang. Đây là một vùng có dày đặc Huyệt kết với mạch Long đi cuồn cuộn , bất tận. Có khá nhiều chuyện lý thú trong những ngày đi khảo sát. Xin kể lại cùng các bạn. Thân ái. dienbatn.
Trước hết , dienbatn xin ghi lại những nguồn tư liệu đã có sẵn trên internet mà dienbatn quên nguồn :
* " Yên Dũng là một huyện của tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Huyện nằm ở phía nam tỉnh Bắc Giang, Yên Dũng có núi Nham Biền chạy theo hướng Đông-Tây. Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cầu, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương với ranh giới là sông Lục Đầu, phía Bắc giáp huyện Lục Nam và phía Tây giáp thành phố Bắc Giang.
Đây là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Yên Dũng tự hào là một vùng đất thiêng với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng hốt cấu tạo nên dãy Nham Biền kỳ vĩ; có chốn tổ Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) ( xã Trí Yên) của thiền phái Trúc lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Yên Dũng tự hào là nơi sinh ra hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích ( xã Song Khê), nơi ẩn chứa và phát tích tinh hoa của nhiều thế hệ; một vùng đất đã biết lấy câu trong sách thánh hiền để dạy con cháu: " Thiên kim di tử, bất như nhất kinh", nghĩa là để cho con ngàn vàng không bằng một quyển sách. Bởi vậy từ xưa Yên Dũng đã sinh ra và nuôi dưỡng hàng chục tiến sĩ làm nên niềm tự hào của một vùng quê hiếu học. Đến nay truyền thống ấy đã và đang được các thế hệ người Yên Dũng kế tiếp.
Huyện có diện tích 213km2 và dân số là 163.000 người (năm 2004). Huyện ly là thị trấn Neo cách thành phố Bắc Giang khoảng 15km về hướng đông nam. Chảy xuyên qua huyện Yên Dũng là con sông Thương uốn lượn cung cấp phù sa cho các xã Tân Tiến, Xuân Phú, Tân Liễu, Tiến Dũng, Chí Yên, Lão Hộ. Tỉnh Bắc Giang nối tiếng với ba con sông lớn chạy xuyên qua tỉnh là sông Lục Nam, sông Thương, và sông Cầu. Cả ba con sông này đều chảy qua huyện Yên Dũng và hội tụ tại Kiếp Bạc, Hải Dương..."
* "Thị trấn Neo. Một âm tiết đơn lẻ, mộc mạc quá! Neo đây là neo đậu, là giữ lại. Bạn tôi giải thích như một hướng dẫn viên du lịch. Cái tên gợi nhắc một thời xa xưa liên quan đến bến với thuyền. Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Những con thuyền sau bao bôn ba lênh đênh trở về neo đậu bến quê. Kiếp người cũng mong vậy, sau muôn vàn thăng trầm chìm nổi, khao khát hồi hương, neo vào nơi chôn rau cắt rốn. Neo cũng chính là tên gọi nôm của dãy núi Nham Biền đồ sộ chạy từ làng Cổ Dũng Núi, xã Cổ Dũng, tổng Cổ Dũng đến làng Bài Xanh, xã Vân Cốc, tổng Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc xưa. Núi Neo còn có tên tự Cửu thập cửu phong sơn, nghĩa là núi chín mươi chín ngọn. Truyền thuyết kể: ngay từ thời hồng hoang, một đàn phượng hoàng trăm con bay đi tìm đất đế đô và chúng đã chọn nơi này. Mỗi phượng hoàng chọn một ngọn núi để đậu. Rất tiếc, còn thiếu một ngọn núi cho con chim thiêng thứ một trăm nên cả đàn lại vỗ cánh bay đi. Nham Biền không trở thành kinh đô của đất nước. Bạn tôi rành rọt kể như từng sinh ra và lớn lên ở chốn này.
Chúng tôi đã đến chốn Tổ - chùa Vĩnh Nghiêm của Thiền phái Trúc lâm do vị hiền minh Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII. Đây chính là một Đại danh lam cổ tự nổi tiếng trong cả nước. Ngôi chùa hơn bảy trăm năm với những đường nét kiến trúc khiêm cung mềm mại từ ngoài vào trong thể hiện đậm đà và sâu kín sự hài hòa giữa hồn Việt và tính Phật nằm yên bình giữa cỏ cây hoa lá xanh tươi. Thời Trần, Vĩnh Nghiêm là trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt, nơi ba vị Trúc lâm Tam tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Có thể xem đây là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Những bản mộc bằng gỗ thị khắc Kinh phật lưu trữ tại đây là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia. Tất cả đã được gìn giữ truyền thừa qua nhiều thế hệ. Hơn bảy thế kỷ như còn lưu dấu nơi đây, trên nền đất linh thiêng, trong hàng cây cùng tuổi với ngôi chùa vẫn xanh màu lá, trong những hoa văn tạc khắc trên rường cột, trong câu Thánh hiền Thiên kim di tử, bất như nhất kinh (Cho con ngàn vàng không bằng một quyển sách) dạy con cháu bao đời. Hơn bảy thế kỷ rồi nhưng ánh sáng tinh túy của Trúc lâm Thiền phái vẫn lan tỏa. Việc khôi phục dòng Thiền Trúc lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông khai mở đang là nhu cầu tình cảm của nhân dân. Dự án Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng đã phác thảo ra một danh thắng mới nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa tâm linh ở trên dãy núi Nham Biền thuộc địa phận xã Nham Sơn của Yên Dũng.
Có một nhà phong thủy khi lên núi Phượng Hoàng (thuộc dãy Nham Biền) đã sửng sốt trước địa thế nơi này. Theo ông ta thì đây mới thực là một linh địa để kiến tạo nên Thiền viện. Vùng đất này vô cùng đắc địa vì được Nhâm sơn - Bính hướng, Tổ sơn cao dày. Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng sẽ được xây dựng ở đây và trên đỉnh Đền Vua còn nên dựng Tam tổ Trúc lâm nữa để tạo phúc cao dày cho con cháu mai sau. "
Đường vào khu Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng ( Ảnh của dienbatn .



Mô hình khu Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng ( Ảnh internet).




* "Theo dự án, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng là một Thiền viện tu theo Thiền phái Trúc lâm với tinh thần: Thiền giáo song hành; Tam giáo đồng nguyên; Tức tâm tức Phật; Nhập thế; Dân tộc; Độc lập tự cường và Hướng đến cuộc sống an lạc giải thoát. Những tinh thần ấy đã được khai mở từ hơn bảy trăm năm trước bởi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nay sẽ được nghiên cứu, bảo tồn lưu giữ và vận dụng vào đời sống đương đại của con người.
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng sẽ trở thành một nét nhấn trang nghiêm, thanh thoát cao đẹp cho vùng quê Yên Dũng đất thơm người lành nói riêng và cho Bắc Giang nói chung. Có phải, đó chính là điều tốt, điềm lành đang đến với Yên Dũng, với Bắc Giang?.
Tương truyền, vào năm 1226 vua Trần “giáng Huệ Hậu xuống làm Thiên cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ và lấy châu Lạng ban cho làm Thang mộc ấp”. Thực chất, buổi đầu thay nhà Lý nắm giữ vương quyền, mọi quyền hành triều Trần đều nằm trong tay Thái sư Trần Thủ Độ. Ông đã “ban” Thang mộc ấp cho phu nhân của mình là Linh Từ Quốc Mẫu tại vùng đất phía bắc dòng Nguyệt Đức, sát với dãy núi nham biền, trấn giữ con đường Thiên lý chạy từ ải Nam Quan về kinh đô Thăng Long không vì mục đích thu lợi về kinh tế mà vì mục đích quân sự (được che chắn bằng kinh tế).
Căn cứ vào câu nói truyền tụng trong nhân dân vùng này về Thang mộc ấp: “Hữu Nham biền sơn tuấn/Tả Nguyệt Đức giang thanh/An Hồng chi tú lĩnh triều tiền/ Đương Mại chi nhiêu khê nhiễu hậu” (phía bên phải (Thang mộc ấp) dựa vào dãy núi Nham Biền/Phía bên trái có dòng Nguyệt Đức (sông Cầu) trong xanh/phía trước là ngọn núi đẹp ở An Hồng chầu về/Con suối thuộc xã Đương Mại chạy bao quanh” thì địa giới của Thang mộc ấp này có hình chữ nhật: chiều đông-tây khoảng 3 km và chiều bắc-nam khoảng 2km, thuộc phạm vi 3 xã: Yên Lư, Nham Sơn, Thắng Cương thuộc tổng Hương Tảo và xã Cảnh Thụy, tổng Tư Mại trước đây.
Trần Thủ Độ muốn xây dựng một hành doanh ở nơi này vì, vào đầu thời Trần có hai thế lực quân sự khá mạnh là đội quân của Nguyễn Nộm và đội quân của Đoàn Thượng luôn luôn chống lại vương triều Trần. Trần Thủ Độ đã nhiều lần mang quân đi đánh dẹp. Sử cũ chép, vào cuối tháng 8 năm Bính Tuất (1226), Thang mộc ấp được ban cho Linh Từ Quốc Mẫu, thì tháng 2 năm sau, Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộm, Đoàn Thượng và các Man… Vào những năm trước đấy, nhân triều Lý vào buổi suy yếu, giặc cướp tụ tập nhiều, Nguyễn Nộm chiếm cứ Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm giữ Hồng Châu. Trần Thủ Độ điều động các quân đi dánh dẹp. Thế nhưng, binh lực của Nguyễn Nộm còn mạnh, chưa dễ hàng phục, nên Thủ Độ (nhân danh Triều Trần) phong cho Nguyễn Nộm làm Hoài Đạo vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngàn. Như vậy, Trần Thủ Độ cho lập Thang mộc ấp nhằm khống chế Hoài Đạo vương Nguyễn Nộm. Cùng với đó, ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XI, trong lần đem quân xâm lược nước ta (1075-1077), dưới triều Lý, quân Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy đã thiết lập một phòng tuyến ở vùng đất này. Phòng tuyến của quân Tống dọc theo bờ bắc sông Nguyệt Đức (sông Cầu), chạy từ địa phận huyện Hiệp Hòa, qua huyện Việt Yên, đến chân dãy núi Nham Biền ở huyện Yên Dũng. Rồi lại chạy lên phía đông bắc đến nam ngạn sông Thương. Phòng tuyến chính dài khoảng 30km, chạy từ bến đò Như Nguyệt đến núi Nham Biền. Điều này cho thấy, vùng đất dưới chân dãy núi Nham biền là vùng đất đắc địa cho việc đóng quân và đồn trú.
Có thể nói, Trần Thủ Độ chọn nơi đây làm Thang mộc ấp để “ban” cho vợ mình, thực chất là để bí mật xây dựng một hành doanh, một đồn tiền tiêu khống chế vùng đất phía bắc, địa bàn hoạt động của Nguyễn Nộm-một thế lực quân sự tương đối mạnh mà vị Thái sư đầu triều Trần luôn cảm thấy lo lắng. Sâu xa hơn nữa, ông muốn có một hành doanh, một tiền đồn bí mật để phòng sự bất trắc trước sự nhòm ngó, âm mưu thôn tính nước ta của giặc Bắc..."
*"Cách Hà Nội 40km, cách thành phố Bắc Giang khoảng 10km, dãy núi Nham Biền nhìn từ trên cao tựa như hình cánh cung. Dãy núi có tổng chiều dài khoảng 12km một đầu nằm trên Xã Tiến Dũng huyện Yên Dũng, đầu kia giáp xã Vân Trung huyện Việt Yên, kế bên con suối Tóp. Suối Tóp là một trong những con suối có phong cảnh thiên nhiên đẹp và có dòng thác rất lý tưởng, ví như là chị em sinh đôi với suối Mỡ của huyện Lục Nam.

Dãy núi có tất cả chín chín ngọn lớn, nhỏ hợp thành đan xen vào nhau. Đỉnh cao nhất là đỉnh Non Vua, có độ cao tới hơn 300m. Ai đã từng leo lên tới đỉnh, hẳn sẽ thấy cái nóng, cái mệt bỗng đâu tan biến bởi được những cơn gió mát lạnh từ trong hang đá mang theo hơi nước từ những con suối, những dòng thác, bên trên sườn núi thổi vào. Phóng tầm mắt ra xa là cả một màu xanh rộng khắp của những cánh rừng trồng rồi tái sinh và những cánh đồng bát ngát thẳng cánh chân trời. Nhiệt độ trung bình giữa mùa hè ở đây là khoảng 28-30oC. Phía tây sườn núi có rất nhiều hồ nước, được tạo bởi những ngọn núi nhỏ dưới thấp quây thành. Một trong số hồ đẹp nhất ở đây phải nói đến hồ Bờ Tân. Hồ ở trên sườn núi nên nước hồ có màu xanh thăm thẳm, màu xanh của núi, của rừng. Mặt hồ luôn phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ, luôn in bóng những dặng cây. Nơi đây thực sự là chốn thiên đàng của các loài chim. Cứ mỗi khi chiều tà, từng đàn chim lũ lượt trở về quây quần ríu rít, bận rộn bên tổ ấm và đàn con. Hồ có diện tích khoảng 6ha, diện tích tuy không lớn nhưng nằm trên địa thế vô cùng hấp dẫn, bởi bốn bề là mây, là núi, xung quanh là những rừng cây xum xuê rậm rạp. Nằm trong quần thể dãy núi Nham Biền có nhiều ngọn núi với nhiều tên gọi khác nhau, như: núi Hòn Giữa, núi Cột cờ, núi Ông Đống, núi Trói Trâu, núi Đèo Kim, núi ổ Gà, núi Con Voi... Mỗi cái tên đều mang một huyền tích nào đó. Một trong những ngọn núi có cảnh đẹp nên thơ, phải kể đến núi Một Trong. Núi được hình thành bởi những phiến đá tảng khổng lồ, sắp sếp chồng khít lên nhau. Qua bao thế kỷ, cùng với sự biến động của địa chất, đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của lịch sử nhân loại, giờ đây như đã trưởng thành với đầy đủ sức mạnh hiên ngang sừng sững, đầy quyền uy. Mỗi khi có ánh ban mai, cả vùng núi lung linh huyền ảo bởi những con suối nhỏ phản ánh hào quang lên các phiến đá. Ban đêm, nhất là những đêm trăng rằm, ánh trăng soi sáng nhưng ngọn núi, những rừng cây in hình lên vách núi, tựa như những chiến binh bất tử hiên ngang trên luỹ tường thành, mà ông cha ta xưa dựng lên chống giặc ngoại xâm. Tất cả tạo một không gian hư hư, ảo ảo gợi trí tò mò cho những ai luôn giầu trí tưởng tượng.
Dãy núi Nham Biền huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang ( Ảnh dienbatn ).



*"Từ Hà Nội qua cầu Như Nguyệt, ta thấy cả một dải núi xanh trải dài bên phải đường Quốc lộ 1A mới, phía sau khu công nghiệp Quang Châu. Núi ấy có tên là núi Bài, một trong hai dãy núi của dãy núi Nham Biền - thuộc tỉnh Bắc Giang. Núi Nham Biền là dải núi lớn nằm trong địa phận Yên Dũng xưa (nay là phần đất của hai huyện Việt Yên và Yên Dũng). Núi có hai dãy chạy song hành nên mới có tên là Nham Biền, tựa như hai câu trong lối văn biền ngẫu xưa.
Núi Bài chạy từ Vân Trung (Việt Yên) tới ngòi Nham Sơn thì dừng. Trong núi, dãy ở địa phận Vân Trung - Nội Hoàng có núi Vua Ngự (cũng gọi là núi Ông Già) đỉnh núi chót vót, khí thế mạnh. Nơi ấy có đèo cổ đi qua. Chân núi có chùa Bài ở phía Nam và chùa Dâu ở phía Bắc, cảnh sắc rất đẹp. Đây là nơi nằm giữa ba khu công nghiệp (Quang Châu - Đồng Vàng - Nội Hoàng) nên tiềm năng du lịch văn hóa rất khả quan.

Núi Neo bắt đầu từ địa phận xã Tiền Phong – Nham Sơn (Yên Dũng) chạy xuôi về tới núi Buồm (xã Tiến Dũng) thì dừng. Thế núi hùng dũng, một mặt kề bên sông Thương, một mặt nhìn ra cánh đồng Yên Dũng, thoải tới tận bờ sông Thương nước chảy lơ thơ. Do có mạch núi Nham Biền nên tạo cho vùng đất Yên Dũng trở thành vùng đất ngã ba sông của tỉnh Bắc Giang. Hai con sông Cầu và sông Thương hợp nhau ở Đồng Việt chính là yếu tố tạo nên địa văn hóa của vùng đất Yên Dũng “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống hiếu học và khoa cử của Việt Nam.

Trong dãy núi Neo, đỉnh cao nhất của nó là đỉnh Vua Bà, nơi này linh khí rất mạnh, chỉ những ngày nắng đẹp mới thấy đỉnh ngọn, còn những khi mù trời đỉnh ấy bị mây mù che phủ. Đỉnh núi Vua Bà cao gần 300m so với mặt nước biển. Núi này đất đá lẫn lộn - đá ở trong khu vực đều là đá cát kết lớn, đá gan trâu, gan gà ghềnh đỏ…. Từ trên sườn núi có những khe nước nhỏ chảy xuống chùa Nguyệt Nham, rồi róc rách chảy vào sông Thương.

Ngày trước, khắp cả khu núi này có các rừng thông mọc lẫn trong các loài cây tự nhiên hoang dã, nên cảnh sắc đẹp lạ lùng. Thời Pháp thuộc ở thế kỷ XX, người Pháp đã cho mở đường để xe zíp lên tới tận đỉnh Vua Bà để ngắm cảnh toàn vùng Lạng Giang - Yên Dũng… Dấu vết đường ấy nay vẫn còn dấu vết. Lên tới đỉnh núi Vua Bà, khí trời trong lành làm cho tâm hồn thật sảng khoái. Ai đã từng lên đây mới thấy cảnh quan của toàn vùng này thật đẹp, thật hữu tình. Phía Đông Nam là cảnh Lục Đầu giang, Phả Lại, chùa Vĩnh Nghiêm. Phía Đông Bắc - Bắc là vùng Lạng Giang xưa, phía Tây Nam - Tây là vùng đất Yên Dũng, Việt Yên và cả Bắc Ninh nữa. Con sông Cầu, sông Thương như dải lụa mềm trải hai bên sườn núi Nham Biền, thực hữu tình. Ở đỉnh núi Vua Bà, nay vẫn còn một ô trũng nhỏ. Tục truyền đó là ao trời, nước tụ quanh năm. Theo như các cụ giỏi phong thủy nói rằng “cao sơn tầm oa trũng, bình dương tầm đột khởi” thì ở đỉnh Vua Bà này đúng là nơi mà các nhà phong thủy cần lưu tâm. Chỗ ấy thực là nơi làm cho núi này thêm linh qúy.

Cái tên núi Vua Bà có từ bao giờ, chẳng ai rõ được, chỉ biết rằng người Việt xưa và cả ngày nay có tục thờ mẫu - mẫu lớn nhất là mẫu mẹ Âu Cơ, bà mẹ sinh ra trăm người con. Người con cả được tôn xưng là Hùng Vương dựng lên nước Văn Lang. Ấy là tổ nước ta vậy, việc vua Hùng tìm đất dựng kinh đô đều gắn với truyền tích 100 con phượng hoàng, hoặc 100 cây thông, 100 con voi. Nơi nào được thì 100 con chim phượng có chỗ đậu…. Núi Nham Biền chỉ có 99 ngọn, thế là 1 con không có chỗ đậu, nên 100 con bay đi. Tuy không phải là vùng đất đóng đô được nhưng đó cũng là nơi đất quí. Có thể cái tên Vua Bà bắt nguồn từ tục thờ mẫu ấy.

Ở chân núi Vua Bà phía bờ sông Thương, xưa có chùa Hang Chàm (tức chùa Nguyệt Nham). Chùa này có nguồn gốc từ thời Trần. Ở chùa Nguyệt Nham đã phát hiện các mảng gốm tháp đất nung thời Trần, đặc biệt mới đây đã phát hiện tấm bia thời Trần, chứng tỏ núi Vua Bà có linh tính xưa để lại. Chân núi Vua Bà phía sông Cầu tạo nên cảnh quan địa thế chùa Kem, xã Nham Sơn - Yên Dũng. Chùa Kem là chùa cổ, qui mô lớn mà trù mật khách thập phương xa gần vẫn về chùa hành lễ. Xưa kia, chùa thuộc thôn Hương Tảo. Thôn này, vào thời Trần là đất thang mộc của Thái sư Trần Thủ Độ. Tục truyền trong núi có mãng xà thường làm hại dân. Trần Thủ Độ về đây giúp dân khai khẩn đất hoang, mở mang đồng ruộng, phát triển đời sống. Thái sư Trần Thủ Độ lập kế giết mãng xà, trừ hại cho dân. Về sau dân lập đền thờ vợ chồng Trần Thủ Độ. Đền ấy gọi là đền Thanh Nhàn. Ngày hội, dân vẫn duy trì tục đánh rắn xưa để tri ân người xưa giúp dân xã trừ diệt xà tinh.

Trong tấm bia thời Trần ở chùa Nham Nguyệt cho biết có một bà hoàng cùng mọi người về núi này tu tạo chùa pháp, công đức lớn lao nên lưu tích ở bia. Bà hoàng ấy lai lịch thế nào chưa rõ, vì bia cổ đó chữ mòn không xem hết được, thế nhưng đấy cũng là một vị vua bà về công đức với vùng đất này, do đó cũng góp phần làm cho núi Vua Bà thêm một nội dung nguồn cội.

Núi Vua Bà là một trong các ngọn núi cao của dãy Nham Biền. Núi tuy không cao như nhiều núi khác, nhưng là núi có linh tích nên là núi thiêng qúy. Trong xu thế phát triển chung, một dải núi thiêng quý như Nham Biền, trong đó có ngọn Vua Bà thế nào cũng được xem xét đến để cho mọi người có chỗ du sơn, du thủy, picnic 2 ngày nghỉ trong tuần, có chỗ cho người Bắc Giang, tỉnh ngoài tới hành hương vãng cảnh...."
Một số hình ảnh tại Đền Thanh Nhàn tại thôn Minh Phượng xã Nham Sơn- Yên Dũng do dienbatn chụp.








*"Lịch sử đã ghi lại rằng: Núi Nham Biền hay còn gọi là núi Neo chạy từ làng Cổ Dũng, tổng Cổ Dũng (xã Tiến Dũng hiện nay) đến làng Bài Xanh, xã Vân Cốc, tổng Hoàng Mai huyện Yên Dũng. Núi Neo còn có tên tự nữa là Cửu thập cửu phong (dãy núi 99 ngọn).
Từ thuở khai thiên lập địa có một đàn Phượng Hoàng bay đi tìm đất đế đô. Và chúng đã chọn nơi này. Nhưng rất tiếc, đàn chim Phượng hoàng có 100 con mà dãy núi Nham Biền chỉ có 99 ngọn, những con bay trước lần lượt từ con đầu, mỗi con đỗ trên một ngọn núi, con bay sau cùng thiếu chỗ đỗ, nó liệng nhiều vòng, xải cánh nghiêng ngó tìm nơi đỗ. Nhưng đã thiếu mất một ngọn và rồi nó cũng bay lao đi, cả đàn thấy vậy lại vung cánh rướn chân bay theo con chim thiếu chỗ đỗ ấy. Đàn chim đã bay đi nơi khác tìm đất đế đô nếu không kinh đô của nước ta đã ở đất Nham Biền.
Trong “Cửu thập cửu phong sơn”, cao nhất là ngon Chân Voi thuộc địa phận làng Liễu Đê xã Hà Liễu tổng Phúc Tằng sau sang tổng Phấn Sơn (xã Đồng Sơn hiện nay) cao 199m so với mực nước biển sau đến núi Bùi cao 196m, sau nữa là núi Non Vua, Vành Kiệu…
Tên núi Non Vua cũng bắt nguồn từ tương truyền thế kỷ thứ 13 thái sư Trần Thủ Độ rước vua Lý Chiêu Hoàng về ngự ở đây xem ngài trừ quái vật rắn thần. Từ đó núi có tên Non Vua. Đỉnh Non Vua có bãi phẳng rộng, có ao chứa nước, tương truyền đó là cung điện vua ngự. Dưới chân núi, đường lối quanh co, lau lách um tùm, có Giếng Tiên, Ngòi Tiên, Ao Tiên, quanh năm nước đầy ăm ắp, cạnh Bàn Cờ Tiên có Suối Tiên, nước chảy róc rách tạo ra những khúc nhạc du dương lòng người.
Núi Vành Kiệu có hình tay ngai, tương truyền thái sư đã chọn nơi đây làm nơi chồng kiệu để rước vua, còn núi Cột Cờ là nơi cụ Đề Thám đóng quân tại đây trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Cũng bởi truyền thuyết Phượng Hoàng đậu mà núi cũng còn gọi là núi Phượng Hoàng. Núi này có các khe rạch như Khe Đám, khe Suối Rắn(khe Róc), khe Cổ Cò, các hang như: hang Giàu, hang Tràm, đèo như: đèo Trán Khỉ, đèo Yên Ngựa… đổ nước mưa hàng năm tạo cho cả vùng Nam Yên Dũng thành xô sơn, bạt thủy. Núi này cũng có nhiều sản vật quý, trong đó có thứ cỏ, rễ lấy làm hương đốt lên rất thơm là hương bài. Có một xóm ở chân núi có tên Hương Cảo hay xóm cỏ thơm. Đến đây bỗng thấy cảm xúc thăng hoa, bừng tỉnh nhớ về những câu hỏi ngày nào “ Bà ơi sao làng ta có tên Hương cảo, Kẻ Cáu?". Tích xưa, người xưa, truyện xưa mà hồn nay."
* " Nói đến du lịch văn hoá Yên Dũng trước hết phải kể đến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên, đây là ngôi chùa nổi tiếng, được người dân cả nước biết đến bởi ngôi cổ tự này chứa trong nó những nét trầm tích văn hoá có giá trị lịch sử tâm linh lâu đời, có giá trị vật thể và phi vật thể vượt ngoài không gian quốc gia. Ngôi chùa nổi tiếng này có từ thời Trần (thế kỷ XIII) thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa toạ lạc nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn, là nơi hội tụ của dòng sông Thương và sông Lục Nam hợp thành hệ thống sông Thái Bình, đây là ngã ba sông nổi tiếng trong huyền thoại Việt. Trông ra xa bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo. Hàng năm, vào dịp 14 đến 17 tháng 2 âm lịch, chùa tổ chức lễ hội rất lớn, nổi tiếng trong cả vùng. Hội thu hút hàng chục nghìn lượt khách thập phương từ các nơi kéo về dự hội, cầu mong mọi sự tốt lành và cùng thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình nơi đây đương độ xuân về. Không gian Chùa luôn làm cho du khách cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng giữa cảnh thiền thanh tao, u tịch. Nằm trong quần thể du lịch văn hoá Yên Dũng còn có các điểm đến để du khách thăm quan như: đền Thanh Nhàn, chùa Kem thuộc xã Nham Sơn, đền thờ Trần Minh Tông xã Đức Giang… Đền Thanh Nhàn toạ lạc tại trung tâm thôn Minh Phượng xã Nham Sơn. Những ngày tháng chiến tranh, đền bị tàn phá nặng nề, nay công trình kiến trúc và cảnh quan đã được nhân dân thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn tu bổ lại, vẫn bảo lưu được một số cổ vật quý như lò thiêu hương bằng gang được đúc năm đầu niên hiệu Thành Hoá (1465), cây hương đá, cột đá khắc câu đối mang tính tuyên ngôn về địa lý: “Tây Bắc Yên Hồng tú lĩnh triều tiền/ Đông Nam Đương Mại thâm khê chiếu hậu”, “Tả Nham Biền sơn tú khí địa lý sơn chung/ Hữu Nguyệt Đức giang thánh thiên thiên thư tố định”. Bên cạnh đền Thanh Nhàn là một di tích nổi tiếng: chùa Kem- hay còn gọi là Sùng Nham tự xây dựng từ thế kỷ XV, làm theo lối chữ Đinh, toạ lạc ở chân dãy Nham Biền. Chùa ở nơi khe núi hình cánh cung hướng ra sông Như Nguyệt, tựa lưng vào vách núi Cột Cờ, đồi Đẩu Sơn, trên đỉnh có tháp Thạch Phong chứa xá lị của thiền sư Giác Hải xây dựng từ thế kỷ XVII. Phía tả bên chùa có Hồ Chuông rộng lớn, bên hữu có Bãi Trống, cạnh chùa là Suối Tiên, đường lối quanh co lau lách um tùm, phía sâu bên trong có Suối Nứa, Giếng Tiên, Ngòi Tiên, Ao Tiên quanh năm nước đầy, chảy róc rách tạo khúc nhạc du dương lồng trong hoa lá cỏ cây, trông xa tựa như một bức tranh cổ, ẩn hiện cảnh sắc hư không. Không gian xung quanh ôm lấy ngôi chùa cổ tạo thế vững trãi ngàn năm. Phía trước chùa là vườn tháp chứa xá lị của các thế hệ tăng ni trụ trì bản tự. Chùa cách không xa đường tỉnh 398 nối Bắc Giang với Hải Dương, Bắc Ninh, và liền kề với các di tích cổ như đền Thanh Nhàn- đình Ba Tổng- đền thờ vua Trần Minh Tông. Hội chùa được mở vào vào ngày 21 tháng Tám theo lịch trăng, trùng dịp hội đền Kiếp Bạc (Chí Linh- Hải Dương), tiện đường giao thông thuỷ bộ, thuyền xe, nên du khách viếng thăm rất đông. Thời gian du khách lưu lại chắc hẳn sẽ rất bổ ích và tâm trí hẳn sẽ không hề bị nhàm chán. Nằm trong trục du lịch văn hoá tâm linh Yên Dũng còn phải kể đến Đình Cáu (Ba vua đình Cáu, sáu vua đình Kem), chùa An Quốc, đền Ngọc Lâm, chùa Hoàng Khánh 99 bậc, chùa Hang Chàm (tên chữ là Nguyệt Nham tự)… đều tựa lưng vào dãy núi Nham Biền. Có thể nói đình, đền và chùa nào ở Yên Dũng cũng gắn với các truyền thuyết, truyền tích văn hoá để người đời sau sưu tầm, nghiên cứu và biên khảo."
Một số hình ảnh tại Đền Thanh Nhàn tại thôn Minh Phượng xã Nham Sơn- Yên Dũng do dienbatn chụp.






Lò thiêu hương bằng gang được đúc năm đầu niên hiệu Thành Hoá (1465).


Hoành phi , câu đối của Đền.





Thượng lương ( Mới sau này ).


Cảnh Đền .


Xin xem tiếp bài 2. dienbatn.